Cách để tìm động lực học tập

“Trên con đường thành công không có dấu chân của người lười biếng”. Hãy thay đổi cách suy nghĩ, có mục tiêu học tập rõ ràng. Và quan trọng bạn phải đổi mới tư duy, cách nhìn nhận vấn đề ngay từ bây giờ. Nếu làm được điều này, động lực học tập đến với bạn là điều tất yếu.

PHẦN 1: CHUẨN BỊ KHÔNG GIAN HỌC TẬP

Bước 1: Sắp xếp không gian học tập ngăn nắp, thoải mái.

Bước 2: Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập. Hãy chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và công cụ học tập, như vậy, buổi học của bạn sẽ không bị gián đoạn.

Bước 3: Cất trữ nước và bánh ăn vặt gần nơi học. Người ta sẽ làm việc hiệu quả hơn khi cơ thể đủ nước, do đó bạn nên uống nước đều đặn để tránh thiếu nước. Các đồ ăn vặt như đậu phộng, bỏng ngô hay hoa quả sẽ giúp bạn có đủ năng lượng học tập.

Tránh ăn thức ăn nhanh và bánh ngọt, bao gồm pizza, hamburger, bánh sừng trâu, bánh quy, v.v… Những thực phẩm này cung cấp năng lượng tức thời và khiến bạn dễ buồn ngủ.

 

Phần 2: LOẠI BỎ YẾU TỐ GÂY SAO NHÃNG

1. Cài điện thoại ở chế độ im lặng. Hiển nhiên là bạn không muốn phải nhận cuộc gọi từ bạn bè hay gia đình khi đang nỗ lực học bài. Nếu sợ họ lo lắng thì bạn nên báo trước rằng mình cần thời gian yên tĩnh học bài. Tốt hơn nữa, bạn nên cài máy ở chế độ im lặng và cất vào nơi nào đó thoát khỏi tầm nhìn để tránh phải thỉnh thoảng nhìn vào đó.

2. Nếu được, hãy tắt máy vi tính. Tắt máy vi tính trừ khi bạn thật sự cần nó để học bài. Tương tự, bạn cũng phải tránh xa các máy vi tính công cộng, đó là nơi tiềm tàng nhiều yếu tố làm phân tâm. Bạn thường dễ dàng tự nhủ, “Mình chỉ muốn kiểm tra e-mail” hoặc “Để xem vài lời đồn về người nổi tiếng thôi mà”. Trước khi kịp nhận ra thì bạn đã tiêu tốn cả tiếng đồng hồ vào việc đó.

Nếu thật sự cần dùng máy vi tính để tìm thông tin, bạn nên in thông tin đó ra khi tìm được để không bị cám dỗ mở thêm một trang khác nhằm lướt Facebook. Nếu không thể cưỡng lại mong muốn lên các trang mạng xã hội thì tại sao bạn không hủy kích hoạt chúng tạm thời?

Nếu cần dùng máy vi tính làm công cụ xử lý văn bản, bạn hãy tạm thời tắt kết nối internet.

3. Mặc quần áo thoải mái. Những việc nhỏ nhặt như phải thường xuyên kéo quần cũng làm hao mòn sự tập trung. Vì vậy bạn nên mặc quần áo quen dùng, vừa vặn và không gò bó.

Nếu để tóc dài, bạn nên cột tóc về phía sau để tóc không bay vào mắt.

Phần 3: ĐẶT RA MỤC TIÊU HỌC TẬP

1. Đặt mục tiêu rõ ràng cho buổi học. Bạn nên nghĩ tới một mục tiêu khả thi cụ thể, thay vì toàn những điều chung chung mơ hồ. Bạn không nên nói là “Tôi phải giỏi toán”, mà nên nói cụ thể hơn như “Tôi phải học cách vẽ đồ thị phương trình bậc hai”. Khi đạt được mục tiêu vào cuối buổi học, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn với chính mình.

2. Tự thưởng khi hoàn thành mục tiêu. Nghĩ ra một phần thưởng nhỏ cho mình khi hoàn thành mục tiêu đề ra. Nếu đang ở giữa buổi học, bạn có thể cho phép mình đi dạo vài phút, ăn một quả táo hay nghe bản nhạc yêu thích. Sau khi hết giờ học, bạn sẽ thoải mái vui chơi với trò chơi điện tử, tán gẫu với bạn bè hay xem phim.

Nếu quyết định phần thưởng là vài phút nghỉ ngơi, sau khi hết thời gian bạn phải trở lại bàn học ngay. Cài giới hạn thời gian cho lần nghỉ đó và không được nghe theo lời nói cám dỗ trong đầu “chỉ thêm vài phút nữa thôi”.

3. Nghĩ về kết quả đạt được qua việc học. Để duy trì thái độ lạc quan, bạn hãy cố tưởng tượng ra những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn qua việc học. Tưởng tượng mình nhận được điểm cao trong bài kiểm tra, được giáo viên khen ngợi, hoặc vào được một trường đại học tốt. Dù đôi khi việc học trở nên khó khăn và nhàm chán, việc nghĩ về kết quả cuối cùng sẽ giúp bạn có sức tiến về phía trước.

 

Phần 4: CHUẨN BỊ CHO BUỔI HỌC

1. Lên lịch học. Dành ra một khoảng thời gian cụ thể cho việc học mỗi ngày thay vì chỉ nói một cách mơ hồ rằng “Tuần này phải dành ít thời gian học bài”. Việc lên kế hoạch sẽ giúp bạn dễ theo đuổi quyết định đã đề ra hơn.

2. Không trì hoãn. Không chờ tới phút cuối cùng mới lo học cho một kỳ thi lớn hay để đọc cả chương dài 90 trang. Nếu định giao nhiệm vụ học vào thứ hai và kết thúc vào thứ sáu, bạn phải bắt đầu ngay ngày thứ hai và hoàn thành sớm trong tuần đó, như vậy bạn không phải lo lắng vào phút cuối cùng.

3. Bắt đầu học thôi! Đôi khi đây là phần khó khăn nhất. Nếu lịch học trông quá đáng sợ thì bạn chỉ nên đặt ra một mục tiêu nhỏ. Cân nhắc hôm nay đọc nửa chương và ngày mai đọc nửa còn lại, hoặc chỉ làm một hay hai bài toán trong sách bài tập. Nên nhớ, nếu bây giờ bạn làm ít thì vẫn còn tốt hơn không làm gì, để rồi phải làm dồn một lúc vào phút cuối.

LỜI KHUYÊN

·       Sử dụng điện thoại di động là điều tuyệt đối KHÔNG NÊN trong khi học. Tắt máy và cất nó đi chỗ khác! Rất nhiều người bị điện thoại làm xao nhãng, do đó bạn nên cất nó vào ngăn bàn hay đưa cho bố mẹ giữ và cho họ biết khi nào cần lấy lại.

·       Nhìn vào thành quả học tập! Nếu muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư, v.v…bạn phải học từ bây giờ để đạt điểm số tốt và có được công việc mong muốn.

·       Nếu là người hay mơ mộng, bạn nên tạm ngừng nghĩ về mọi việc, ngoại trừ việc học. Dẹp mọi thứ sang một bên và bắt đầu học. Bạn cũng nên nghĩ về gánh nặng nếu để đến khi nước tới chân mới lo học. Học càng sớm càng tốt!

·       Nhớ ghi bài cẩn thận trong giờ học và xếp vở cẩn thận vào cặp. Vở là nguồn tài liệu hỗ trợ cho việc làm bài tập, nghiên cứu, và đặc biệt là ôn bài trước khi thi. Nếu sợ bỏ sót thông tin trong khi nghe giáo viên giảng, bạn hãy ghi thật vắn tắt vào vở bằng bút chì trước. sau đó bạn xóa nét bút chì và ghi cẩn thận lại bằng bút mực sau giờ học.

·       Nếu cần hỗ trợ, bạn đừng ngại nhờ giáo viên giúp đỡ! Họ nhận lương để trả lời câu hỏi của bạn và luôn sẵn sàng giúp đỡ khi sinh viên có thắc mắc, việc này sẽ có ích cho bạn về lâu dài vì họ nhận ra bạn là người có động lực học tập. Không lo lắng về những gì bạn bè nghĩ. Quan trọng là bạn phải hiểu bài học, còn hơn tỏ ra thông minh hay thông suốt mọi thứ nhưng thật sự không hiểu gì.

·       Có giấc ngủ ngon thật sự là yếu tố cần thiết để nhớ được những gì đã học. Đó là vì trong thời gian ngủ, não bộ sẽ tổng hợp lại thông tin bạn vừa tiếp thu. Bạn phải ngủ ít nhất 8 giờ để thông tin thật sự được giữ lại trong não.

·       Tự nhủ rằng bạn có thể vui chơi thỏa thích sau khi đạt được mục tiêu. Ngoài ra bạn phải thật quyết tâm để các yếu tố gây phân tâm không thể tác động. Nếu có tiếng ồn hay ai đó làm phiền, bạn nên đeo bịt tai và quay mặt đi hướng khác.

·       Nghĩ về những người bạn thông minh! Để trở nên giống họ, bạn phải học giống họ và noi gương theo cách họ làm việc. Nhưng bạn không nên đẩy mọi việc tới mức cực độ!

·       Nếu muốn giành được học bổng về thể thao, bạn không chỉ cần năng khiếu trên sân bóng, sân quần vợt hay đường đua, mà còn cần cả điểm số. Nếu bạn chăm chỉ luyện tập thể thao ngoài lớp học thì rất tốt, nhưng nên nhớ rằng, để giành được học bổng, bạn phải có điểm số trung bình và điểm SAT cao.

·       Đôi khi học bài chung với một người bạn có thể giúp bạn bớt nhàm chán. Nếu người này học cùng lớp, họ còn có thể hỗ trợ bạn làm bài tập. Tuy nhiên, các bạn không được tám chuyện làm xao nhãng, nên nhớ mục đích của bạn là học!

·       Cân nhắc thuê người dạy kèm. Giáo viên dạy kèm có thể rất hữu ích vì họ giúp bạn học những môn mình không thích. Nếu giá thuê cao, bạn nên nhờ người nào đó trong nhà giỏi môn học này để kèm bạn.

NHẮC NHỞ

·       Cố gắng không nghĩ đến những việc bạn thích làm hơn học. Việc này khiến bạn dễ dàng bỏ cuộc vì cho rằng mình không cần học nữa.

·       Không học nhồi nhét một lúc. Tùy vào lịch học, bạn nên nghỉ khoảng 10-15 phút sau mỗi giờ học.

·       Không nên nghe nhạc nếu bạn là người rất mê nhạc, vì bạn sẽ tập trung vào bài hát đó mà không thể suy nghĩ về việc học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *